Trên thực tế, dù đã mua bảo hiểm vật chất ô tô hết cả chục triệu đồng/năm thì nhiều trường hợp xe bị ngập nước, thuỷ kích vẫn bị các công ty bảo hiểm từ chối chi trả.
Xe bị ô tô bị ngập nước dẫn đến hỏng hóc là vấn đề nghiêm trọng mà chắc chắn không chủ xe nào mong muốn xảy ra với “xế yêu” của mình. Tuy nhiên, trước những thiên tai bất ngờ như mưa lớn, lũ lụt tại miền Trung trong những ngày vừa qua, việc nhiều chiếc xe bị ngập nước là điều khó tránh khỏi.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là, trong trường hợp xe bị ngập nước, thuỷ kích do mưa lũ thì có được công ty bảo hiểm chi trả tiền sửa xe hay không? Câu trả lời là… chưa chắc.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, việc các công ty bảo hiểm có chi trả chi phí khắc phục sự cố do ngập nước hay không phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm vật chất ban đầu giữa chủ xe và phía bảo hiểm.
Một số đơn vị bảo hiểm sẽ ghi rõ điều này trong hợp đồng, nhưng một số đơn vị sẽ mời khách hàng mua thêm gói bảo hiểm dành riêng cho thuỷ kích như một điều khoản bổ sung và ghi vào phụ lục.
Mức phí của gói bảo hiểm thuỷ kích riêng này vào khoảng 0,1% giá trị xe/năm (đối với xe sử dụng dưới 3 năm). Ví dụ như một chiếc xe có giá 1 tỷ đồng thì gói bảo hiểm thuỷ kích mỗi năm vào khoảng 1 triệu đồng.
Có hai khái niệm khách hàng cần làm rõ khi tham gia bảo hiểm vật chất tự nguyện là ngập nước và thuỷ kích. Nhiều khách hàng vẫn “lơ mơ” giữa hai khái niệm này dẫn đến tranh cãi với cơ quan bảo hiểm khi không may chiếc xe bị ngập nước.
Xe bị ngập nước được hiểu là xe đang đỗ trong gara hoặc ở ngoài đường và bị ngập nước một cách bất khả kháng do thiên tai (bao gồm bão lũ, lụt, sét đánh, giông tố, động đất, sóng thần,…) dẫn đến hỏng hóc. Đối với trường hợp này đa số đều được chi trả bảo hiểm.
Còn khái niệm xe bị thuỷ kích được hiểu là chiếc xe bị hư hỏng phần động cơ khi chiếc xe đó di chuyển vào vùng ngập nước. Thuỷ kích cũng được các công ty bảo hiểm chia ra làm hai trường hợp:
Thứ nhất là xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước, nước tràn vào động cơ khiến động cơ bị hư hỏng. Trường hợp này, chủ xe có thể được đền bù đến 100% chi phí sửa chữa nếu điều khoản này có trong hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều công ty bảo hiểm chỉ đền bù khoảng 70-80% với lý do khách hàng phải có trách nhiệm tự cân nhắc xem có nên đi vào vùng nước ngập hay không.
Thứ hai là xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước, sau đó xe bị tắt máy nhưng lái xe cố tình khởi động lại xe khiến nước tràn vào làm động cơ hư hỏng nặng. Trường hợp thuỷ kích thứ hai này, đại đa số các công ty bảo hiểm sẽ từ chối đền bù vì đây hoàn toàn là lỗi chủ quan của lái xe.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hữu Bằng – Chuyên gia tư vấn bảo hiểm của Tổng công ty bảo hiểm Hàng không Việt Nam (VNI) cho biết, khác với các vụ tai nạn giao thông cần phải có biên bản của cơ quan Công an, những vụ xe bị ngập nước, thuỷ kích thì chỉ cần hình ảnh và xác minh tại hiện trường của nhân viên bảo hiểm là đủ.
“Vấn đề mấu chốt khi đền bù trong trường hợp xe bị thuỷ kích là việc xác minh xem lái xe có cố tình khởi động lại động cơ khi đã bị chết máy do ngập nước hay không. Nếu chết máy mà vẫn cố tình khởi động lại sẽ không được đền bù”, ông Bằng nói.
Đồng thời, vị chuyên gia này đưa ra một số lời khuyên cho chủ xe như sau:
– Khi mua bảo hiểm, chủ xe cần tìm hiểu kỹ điều khoản trong hợp đồng liên quan đến ngập nước, thủy kích. Thông thường, bảo hiểm thủy kích là điều khoản quyền lợi bổ sung khi tham gia bảo hiểm vật chất xe ô tô.
– Nếu không may chiếc xe của bạn đỗ ở trong vùng ngập nước, tuyệt đối không khởi động máy và có thể di chuyển xe đến một nơi cao ráo hơn. Đồng thời gọi ngay cho đại diện bảo hiểm đến lập biên bản giải quyết và đừng quên chụp lại hình ảnh để lấy cơ sở đền bù về sau.
– Khi di chuyển vào vùng ngập, cần xác định xem chiếc xe của mình có khả năng lội qua hay không. Theo kinh nghiệm, nếu khu vực đó có mực nước cao hơn 1/2 bánh xe thì không nên đi qua.
– Trong trường hợp chiếc xe đang đi bị chết máy do ngập, tuyệt đối không cố khởi động lại sẽ khiến nước tràn vào động cơ dẫn tới hỏng hóc rất nặng. Sau khi ghi lại hình ảnh, lái xe có thể đẩy chiếc xe đến một nơi cao ráo hơn để chờ cứu hộ và gọi cho nhân viên bảo hiểm để có cách giải quyết.
(Trích nguồn: https://dantri.com.vn/)