Tranh luận về phát triển thủy điện, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương): “Nếu nói tất cả đều đúng quy hoạch, vận hành đúng quy trình thì chỉ có ông trời là sai vì mưa nhiều…”.
Sáng nay (5/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2021.
Bộ trưởng Công Thương giải trình
Trước các ý kiến tranh luận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Dương Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến thuỷ điện và môi trường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra các giải trình.
Cụ thể, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu đánh giá các dự án thuỷ điện đều có hai mặt tích cực và hạn chế. Vậy cái nào được coi là chủ đạo, cái nào là tạm thời?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết có những quy trình về pháp lý rất quan trọng, rất bài bản trong quản lý các dự án đầu tư để bảo đảm hiệu quả của các dự án.
Cụ thể, căn cứ theo Luật Đầu tư, chúng ta có báo cáo về kinh tế kỹ thuật, cạnh đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đánh giá xem dự án đó có hiệu quả hay không? Mức độ tác động tiêu cực thế nào? Không dừng ở đó, các dự án này còn phải thoả mãn các giải pháp, biện pháp để giảm bớt các hạn chế tiêu cực để khai thác tốt các ưu thế cũng như lợi ích từ các dự án này. Ý kiến liên quan đến các vấn đề về quản lý đất, nhất là xâm dụng đất rừng tự nhiên.
Thực tế, đối với các dự án thuỷ điện có những khâu rất quan trọng. Đầu tiên là phải bổ sung quy hoạch, khâu này xuất phát từ địa phương, địa phương căn cứ theo hướng dẫn như Thông tư 43 của Bộ Công Thương hướng dẫn xem xét các dự án thuỷ điện bổ sung quy hoạch trong đó nói rõ tiêu chí xây dựng đất là như thế nào, nếu vượt quá 10ha/1KW thì không được xem xét. Hoặc đất rừng tự nhiên thì cũng không được xem xét cái này.
Khi bổ sung vào quy hoạch, Bộ Công Thương phải làm thủ tục xin ý kiến của tất cả các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an… và nhiều cơ quan khác để bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như mục tiêu ưu tiên trong các quy hoạch. Đây là khâu chốt chặn đầu tiên, trong đó quy trình đầu tư bao gồm cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, sau đó là quản lý dự án đầu tư.
Căn cứ theo các luật định, từ luật Đầu tư, Xây dựng đến các luật khác đều có hướng dẫn cụ thể và các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều có trách nhiệm, đặc biệt là địa phương, để kiểm tra việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo khả thi cũng như báo cáo ĐTM của dự án.
“Tôi nhấn mạnh báo cáo ĐTM dự án rất quan trọng, giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thông qua, để bảo đảm rằng quy định của pháp luật, nhất là liên quan đến môi trường được đảm bảo. Vì vậy, các báo cáo ĐTM đều phải đăng công khai trên các trang điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để biết được có đảm báo hay không” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.
Về tranh luận của đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): Thuỷ điện nhỏ như những “quả bom” nổ chậm, khi hết vòng đời dự án thì xử lý ra sao? Bộ trưởng Công Thương cho hay: Căn cứ điều 118 và 127 Luật Xây dựng, Nghị định 46 liên quan đến Luật Điện lực đều có hướng dẫn.
“Khi các dự án thuỷ điện hết vòng đời dự án phải thực hiện các yêu cầu của luật định, trong đó có việc đánh giá chất lượng của các hồ đập, các hướng sử dụng, hoặc tháo dỡ. Trong đó yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ phải có phương án báo cáo các cấp có thẩm quyền” – ông Trần Tuấn Anh nói.
Về tấm pin có điện, Thủ tướng đã có quyết định giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống quy chuẩn về tấm pin có điện cũng như phương án xử lý các tấm pin có điện khi dự án hết thời hạn. Trên nguyên tắc của luật định, các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm xử lý các tấm pin có điện.
“Trên thực tế chỉ có 3% từ cái này có một số các chất có thể liên quan đến môi trường. Các nhà cung cấp tấm pin có điện đều có hợp đồng với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời để chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý các tấm pin có điện”- ông Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Lỗi tại ông trời?
Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) đã có phần tranh luận về phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến phát triển thủy điện và việc thủy điện vận hành, xả lũ.
“Bộ trưởng Công Thương khẳng định các thủy điện được xây dựng đúng quy hoạch, vận hành hồ đập và xả lũ đúng quy trình, cùng đó còn có trách nhiệm của địa phương. Nếu nói tất cả đều đúng quy hoạch, vận hành quy trình thì chỉ có ông trời là sai vì mưa nhiều…” – đại biểu đoàn Bình Dương bày tỏ quan điểm.
Tiếp nối phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) thảo luận: “Nếu các thủy điện đang làm đúng các quy trình thì chúng ta phải ủng hộ, còn những mặt tiêu cực thì Bộ Công Thương cho biết đang kiểm soát tương đối chặt chẽ, nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý là những mặt tiêu cực này phải được kiểm soát hiệu quả hơn”.
Về phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc nói dự án thủy điện như “quả bom” nổ chậm, ông Đỗ Ngọc Thịnh đồng tình và cho rằng đó là nhận thức chủ quan về điều kiện khách quan. Vấn đề đặt ra là Bộ trưởng Công Thương cần trả lời có đúng như vậy không?
“Nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo ngòi nổ, vì nếu đúng vậy thì nguy hiểm quá và đề nghị Bộ Công Thương phải kiểm soát chặt chẽ việc này” – đại biểu đoàn Khánh Hòa nói và cho biết: “Không có gì là không có 2 mặt, với những tiêu cực và hạn chế phải có giải pháp hiệu quả”.
Không nên vì lũ lụt mà “đổ tội” cho thủy điện
Tham gia tranh luận về xây dựng thủy điện và ngăn chặn lũ, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề cập tới dòng sông Đà hung dữ đã được “trị thủy” thành công.
“Việc ngăn dòng sông Đà hung dữ người Pháp phải bó tay. Sau đó nhiều chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam xây dựng, mục tiêu ban đầu là để trị thủy, sau đó mới tới phát điện. Chính vì sử dụng chủ yếu để điều tiết lũ nên Hà Nội đã tránh được các trận lụt lịch sử” – ông Vân nói và cho biết: Năm 1971, Trung ương phải phá đê ở Chương Mỹ để xả lũ cứu Hà Nội. Từ ngày có thủy điện trên sông Đà tới nay, điều tiết nước rất tốt, lũ lụt ở vùng Đồng bằng Sông Hồng cơ bản được khắc phục. Đó là mặt tốt của thủy điện, vai trò của thủy điện và thủy lợi có ý nghĩa rất tích cực.
Tuy nhiên, ông Vân cũng nhắc tới mặt trái của thủy điện là bị lạm dụng trong việc xây dựng, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm, kỹ thuật…
“Các nhà chuyên môn phải nghĩ tới thủy công, thủy lực, tổ chức dòng chảy, phân nước để tránh thiệt hại cho nhân dân. Đáng tiếc rằng, một số chủ nhà máy điện đã lạm dụng quy trình đó để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên” – ông Vân lên án và cho rằng con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật và do các nhóm lợi ích gây ra.
“Xử lý là xử lý động cơ, mục đích của các chủ thể vi phạm khi lạm dụng quy trình thủ tục để chọn địa điểm và trục lợi. Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện” – đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Phát biểu giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng kết luận những sự cố sạt lở vừa qua do thủy điện chưa chắc đã đúng.
“Không nên suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học. Toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, lại nằm trong địa hình đồi núi dốc. Quá trình đó làm cho địa chất bị nát vụn cùng với lượng mưa lớn dẫn đến nguy cơ sạt lở. Các điểm xảy ra sạt lở ở miền Trung vừa qua là tổ hợp của nhiều loại hình thiên tai như 4 cơn bão liên tiếp, lượng mưa đã vượt qua các chỉ số đo lịch sử” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích.
Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng cho hay: Khi đánh giá về tác hại hay lợi ích của các hồ thủy lợi, thủy điện thì cần phải xem lại từ khâu thiết kế. Mặc dù các thủy điện miền Trung không có chức năng cắt lũ, nhưng vừa qua đã cắt giảm lũ cho vùng hạ du từ 30 – 70%. Mùa hạn, các hồ chứa ở đây cấp nước cho sản xuất.
Về các thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần tính toán giữa tính năng với sự hài hòa tự nhiên. Nếu tính toán được thì sẽ xử lý hài hòa giữa duy trì nguồn điện năng và không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên.
Trích nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/lu-lut-nghiem-trong-tat-ca-deu-dung-chi-co-ong-troi-sai-vi-mua-nhieu-20201105091605616.htm